Bồi thường,
hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất là nội dung lớn, quan trọng đã
được Luật định. Việc thu hồi đất, đặc biệt thu hồi đất thực hiện các công
trình, dự án lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều hộ gia đình, cá
nhân, nhiều tổ chức. Do đó, công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng
luôn là nội dung phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định tình hình địa
phương. Ngược lại, nếu thực hiện không đúng quy định sẽ dẫn đến nguy cơ gây thiệt
hại cho Nhà nước.
Và đặc biệt,
thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước, nhiều cán bộ đã bị xử lý
kỷ luật, bị truy cứu trách nhiệm hình sự do vi phạm các quy định trong công tác
bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Điều 230 Bộ luật
hình sự quy định vi phạm quy định của pháp luật
về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư mà gây thiệt hại từ 100 triệu đồng
trở lên- hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm đã
có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù đến 20 năm,
bị cấm đảm nhiệm chức vụ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, ...
Tại tỉnh Hải
Dương, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của các ủy đảng, chính
quyền địa phương, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất trên địa
bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo mặt bằng triển khai thực hiện
nhiều công trình, dự án quan trọng, góp phần ổn định, thúc đẩy phát triển kinh
tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất vẫn còn có những tồn tại,
hạn chế nhất định, đơn thư khiếu kiện còn diễn ra tại nhiều dự án, … Điều này
không những gây ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải phóng mặt bằng mà còn tiềm ẩn
nguy cơ gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh.
Để chấn chỉnh
và khắc phục tồn tại, hạn chế nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác
thi hành pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, ngày 23/9/2022 Sở Tài
nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 1843/STNMT-QLĐĐ gửi UBND các huyện,
thành phố, thị xã, Phòng Tài nguyên và Môi trường, các sở, ngành liên quan
trong đó đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo, làm tốt một
số nội dung sau:
1. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật, đặc biệt
pháp luật về đất đai, về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho tất cả các tổ chức,
hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn nắm được, hiểu được; huy động sự vào cuộc đồng
bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền; phát huy tính tiền phong gương mẫu,
trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên trong chấp hành chính sách về bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư; bên cạnh đó, cần có giải pháp đào tạo, nâng cao
trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, giải phóng mặt
bằng để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; bố trí cán bộ có đủ phẩm
chất, năng lực, kinh nghiệm, đồng thời huy động các nguồn lực hợp pháp, có
chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp, kịp thời cho đội ngũ cán bộ tham gia làm
công tác này.
2. Rà soát các quy hoạch về đất đai, giao thông, xây dựng và các quy hoạch
khác có liên quan, các công trình, dự án trên địa bàn. Đối với các quy hoạch,
công trình, dự án còn phù hợp thì cần có biện pháp công khai, minh bạch đồng thời
tổ chức rà soát các trường hợp sử dụng đất trong phạm vi, ranh giới thực hiện dự
án; thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai, không để
người sử dụng đất đầu tư, xây dựng mới, trồng cây lâu năm trái phép trên khu đất
thuộc ranh giới thực hiện dự án đã xác định trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm
cấp huyện. Trường hợp sửa chữa, cải tạo công trình phải được phép của cấp có thẩm
quyền. Đối với các trường hợp sử dụng đất thuê (đặc biệt việc sử dụng quỹ đất
nông nghiệp vào mục đích công ích, đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, …) cần
thông báo cho các chủ sử dụng đất biết, hoàn thành các thủ tục thanh lý hợp đồng
theo đúng quy định và có biện pháp yêu cầu di chuyển tài sản ra khỏi ranh giới
thực hiện dự án khi chấp dứt hợp đồng.
Đối với các
công trình, dự án, các quy hoạch khác có liên quan chậm triển khai hoặc không phù
hợp thì điều chỉnh hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh cho phù
hợp, tránh quy hoạch, dự án “treo”, gây thất thoát, lãng phí, khó cho công tác
quản lý cũng như việc sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân.
3. Tuân thủ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền trong công tác bồi
thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; tuyệt đối không tách rời,
chia nhỏ khu đất thu hồi thành nhiều thông báo thu hồi đất, thu hồi đất thành
nhiều đợt trong cùng 01 dự án trên cùng 01 địa bàn mà dự án đầu tư được chấp
thuận không phân kỳ đầu tư để đảm bảo chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong
cùng một dự án, một địa bàn là thống nhất. Ban hành thông báo thu hồi đất phải
đồng thời với việc phê duyệt kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm.
Việc điều
tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm phải sát thực tiễn, dự trù được các tình huống
phát sinh từ đó để ra các biện pháp xử lý phù hợp. Việc xét duyệt nguồn gốc, thời
điểm sử dụng đất, thời điểm tạo lập tài sản, xác định loại đất cũng như đối tượng,
điều kiện bồi thường, hỗ trợ cần có đầy đủ cơ sở pháp lý, đúng quy định của
pháp luật. Khi xây dựng các phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cần bám
sát vào các quy định của pháp luật và thẩm quyền quyết định các trường hợp hỗ
trợ khác. Quá trình áp dụng, thực hiện cần tuân thủ pháp luật, tuân thủ văn bản
có hiệu lực pháp lý cao hơn, phát hiện kịp thời các nội dung không phù hợp
trong các văn bản hành chính so với quy định của pháp luật hiện hành từ đó điều
chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh để việc thực hiện được đúng quy định, tránh gây
thiệt hại cho Nhà nước, cho tổ chức, cá nhân.
Đối với những
trường hợp còn có vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền cần rà soát, tổng hợp báo
cáo cấp có thẩm quyền xem xét trên nguyên tắc chỉ kiến nghị tháo gỡ những vướng
mắc do pháp luật còn có mâu thuẫn, bất cập hoặc chưa rõ ràng dẫn đến có thể có
các cách hiểu khác nhau, những nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh
hoặc Chủ tịch UBND tỉnh. Hồ sơ xin ý kiến tháo gỡ hoặc đề xuất hỗ trợ khác phải
đầy đủ, có chứng cứ, lập luận, đề xuất của địa phương.
4. Tiếp tục có biện pháp nhằm chấn chỉnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương
trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý hành lang an toàn công
trình theo đúng quy định của pháp luật; rà soát, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc
Chỉ thị số 22-CT/TU ngày 15/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng
đối với công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh,
các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, của Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan đến
công tác quản lý đất đai, đặc biệt quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn.
5. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, có biện pháp huy động sự giám
sát của cộng đồng nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm; xử lý, kiến nghị cấp có
thẩm quyền xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng, hành lang an
toàn giao thông, công trình công cộng.
Có thể nói,
với các biện pháp cơ bản kịp thời nêu trên và sự quan tâm, vào cuộc của UBND
các huyện, thành phố, thị xã, hy vọng rằng công tác bồi thường, giải phóng mặt
bằng trong thời gian tới đây sẽ đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần đẩy
nhanh tiến độ, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư thực hiện dự án.
Minh Long